Trang

Recent Posts

14 thg 1, 2014

Rộn niềm vui xã nghèo ven biển

ANTĐ - Nhiều năm rồi, nghèo khó vẫn bám riết người dân vùng biển Xuân Hải, Nghi Xuân, Hà Tĩnh. Cuộc sống khó khăn khiến họ chẳng dám nghĩ đến tết. Thế nên khi được nhận quà, ai cũng xúc động vô cùng.


Đoàn công tác Báo ANTĐ tặng quà bà con vùng ven biển Xuân Hải, Nghi Xuân, Hà Tĩnh

Tết đơn sơ

Đến Xuân Hải đúng ngày mưa, chúng tôi mới thấy hết cảnh nghèo khó của làng quê ven biển. Con đường lầy lội bùn đất dẫn vào xã càng khắc sâu vẻ đìu hiu, lạnh lẽo ở nơi được xem là nghèo nhất miền Trung. Nếu bên kia cầu Bến Thủy, không khí đón xuân đã hiển hiện trên khắp các con đường, góc phố thì ở bên này, người dân vẫn đang mải miết việc đồng áng, hoặc phiêu bạt ở mãi những miền xa để mong có tiền về sắm tết. Vuốt khuôn mặt đẫm nước, ông Dương Văn Xanh - Bí thư xã Xuân Hải cho biết, cả xã có hơn 1.200 hộ dân thì có đến 117 hộ nghèo và 931 hộ cận nghèo, có hoàn cảnh khó khăn. Năm nào vào dịp cận tết, UBND cũng tổ chức chương trình giao lưu nối vòng tay nhân ái nhằm kêu gọi mọi người hỗ trợ các gia đình có hoàn cảnh đặc biệt. Nhưng do nghèo khó là tình trạng chung của cả xã nên việc ủng hộ chẳng được là bao. “Người dân ăn tết đơn giản lắm, chủ yếu bằng tinh thần. Rồi mùng 4, mùng 5 đã bắt tay vào sản xuất vụ Đông Xuân”.

Ở Xuân Hải ngoài trồng lúa, lạc thì người dân không có nghề phụ nào khác. Nhưng do gió Lào, thiên tai thay nhau tàn phá nên việc gieo trồng hoa màu cũng chỉ đủ “cầm hơi”. Cuối năm 2013, cơn bão số 11 đã làm ngập, tốc mái nhiều hộ dân, hủy hoại gần như toàn bộ hoa màu của bà con trong xã. Vật lộn đủ nghề vẫn không tìm ra nguồn sống, không ít thanh niên trai tráng, thậm chí cả người trung tuổi đã khăn gói rời làng đi nơi khác lập nghiệp. Nhiều người còn chạy vạy, bán đất, bán nhà để đi xuất khẩu lao động. Vì vậy mà ở một số thôn, người già, trẻ nhỏ bất đắc dĩ trở thành lao động chính.

Trả lời câu hỏi: Sao bà con không “bám biển”, nuôi trồng thủy sản trên sông? Ông Bí thư xã chùng giọng, Xuân Hải nằm ở hữu ngạn sông Lam, bên kia tiếp giáp với biển, vì nghèo đói mà bà con không đủ tiền để đầu tư tàu đánh cá xa bờ. Hơn nữa, đoạn biển này lại là bãi ngang, sông lạch cũng không thuận lợi cho nuôi trồng thủy sản nên việc hy vọng thoát nghèo từ con cá, con tôm vẫn không thể thực hiện. Chỉ tay lên nóc hội trường ủy ban đã thủng lỗ chỗ, vị cán bộ xã cho biết, ngay cả chương trình xây dựng nông thôn mới ở đây cũng còn nhiều trăn trở. Mới chỉ có 9 trong tổng số 19 tiêu chí được thực hiện xong. Nhiều tiêu chí khó khăn như cơ sở hạ tầng, cơ cấu lao động, đường nội thôn chưa biết lúc nào mới hoàn thành. Vì thế, ước mơ có một hội trường khang trang để toàn xã hội họp mỗi khi có việc vẫn chỉ là mơ ước.

Niềm vui bất ngờ

Tiếp tục những hành trình hướng về các mảnh đời khó khăn, Đoàn công tác Báo An ninh Thủ đô do Đại tá Vũ Kim Thành - Phó Tổng Biên tập dẫn đầu, phối hợp với Công ty TNHH Huyền Vũ và Công ty cổ phần xây dựng Thanh Mạnh đã đến trao tận tay 150 suất quà tết (gồm tiền và gạo) cho các gia đình chính sách, hộ nghèo và cận nghèo ở xã Xuân Hải. Cán bộ xã và những người tham gia chuyến đi đã vô cùng xúc động khi chứng kiến cảnh bà con đội mưa, vượt cả quãng đường xa trầy trượt để có mặt đúng giờ. Trong ngày gió lạnh tăng cường, có cả những cụ già tóc bạc phong phanh manh áo mỏng đến nhận quà hay những cháu nhỏ đi thay người thân vì những lý do đặc biệt.

Không giấu được niềm phấn khởi, ông Nguyễn Văn Nam (ở thôn Trung Vân) chạy tới cầm tay cả đoàn công tác, nói: “Lâu rồi mới có dịp được nhận quà tết. Mà ở huyện này, các anh là người đầu tiên mang quà tết đến tặng quà bà con đấy nhé. Tôi sẽ để dành gạo để nấu cơm, còn tiền dùng để mua thịt thà, hoa quả cúng tổ tiên”. Không còn nhanh nhẹn như những người khác, bà Nguyễn Thị Phương - cựu thanh niên xung phong nghẹn ngào: “Tôi sống độc thân, tay lại thương tật nên không tự lao động được. Cảm ơn các anh đã tặng quà rất ý nghĩa, giúp tôi có cơm ăn, có tiền để chi trả thuốc men”.

Cô bé Trần Thị Mỹ Duyên - học sinh lớp 6 trường THCS Xuân Hải thực sự làm chúng tôi nghẹn lòng. “Cháu đi nhận quà vì bố mất, mẹ đi lấy chồng. Cháu ở với ông bà nên tự đạp xe đến chở gạo trong lúc không phải đi học. Cháu sẽ kể với ông bà đây là quà tết của các chú Công an Hà Nội. Gạo để ông bà cháu nấu cơm, còn tiền sẽ để đóng học”.
Tùng Lâm ANTĐ

0 Ý kiến bạn đọc:

Đăng nhận xét