Trang

Recent Posts

25 thg 4, 2014

Vang vọng Ca trù Cổ Đạm

rải qua bao thăng trầm, nhưng ca trù Cổ Đạm (một xã nghèo nằm dưới chân núi Hồng Lĩnh, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh) vẫn làm say đắm lòng người Xứ Nghệ.


Vợ chồng đào nương Dương Thị Xanh và kép đàn Trần Văn Đài

Ca nương một thời

Hai năm trước khi nghe ca trù qua vô tuyến, tôi đã siêu lòng trước giọng hát mượt mà trong trẻo của các ca nương, đặc biệt của nghệ nhân Phan Thị Mơn đã bước sang tuổi 90. Và tôi đã nuôi ý tưởng một lần về Cổ Đạm, gặp cụ Phan Thị Mơn và nghe cụ hát trực tiếp.

Nhưng mong ước đó đã không thành hiện thực, bởi khi về làng Cổ Đạm cũng là lúc tôi hay nghe tin nghệ nhân ca trù Phan Thị Mơn đã mất. Tiếp tôi là ca nương Dương Thị Xanh - Chủ nhiệm CLB ca trù Cổ Đạm. Chị Xanh kể cho tôi nghe về cuộc đời cụ Phan Thị Mơn. Theo đó, năm 13 tuổi, cụ Mơn theo anh chị, bạn bè đến học ca trù tại nhà anh kép Phan Đình Hưng, người có thâm niên trên 30 năm đi biểu diễn ca trù ở Cung đình Huế. Với giọng hát mượt mà, say đắm lòng người, kép Hưng đã nhận bé Mơn làm con nuôi và truyền dạy tỉ mỉ các ngón nghề ca hát.

Năm 17 tuổi, đào Mơn thuộc làu hơn 30 làn điệu ca trù như: “Hồng hồng tuyết tuyết” của tác giả Dương Khuê, “Nợ tang bồng”, “Kiếp nhân sinh”, “Chơi xuân kẻo hết xuân đi” của Nguyễn Công Trứ... và theo gánh hát kép Hưng đi biểu diễn khắp các tỉnh Trung Kỳ.

Vào mỗi dịp ở chốn miếu linh thiêng, nơi đình làng hay các lễ hội đầu xuân, đào Mơn thường được giao làm người cầm ca chính ở gánh hát. 20 tuổi, đào Mơn được mời vào cung hát tiến Vua Bảo Đại với tất cả niềm tự hào của một ca nương trẻ.

Chị Xanh giãi bày: “Lần đầu tiên nghe các cụ hát ca trù chỉ thấy nó hay mà không hiểu gì. Nhưng càng nghe nhiều, tôi càng đam mê, đến một ngày không được nghe hát ca trù là lại thấy lòng nôn nao như thiếu một cái gì đó”. Cũng vì lòng đam mê và mong muốn giữ lại nét văn hóa quý giá của quê hương mình, vợ chồng chị Xanh đã nhận nhiệm vụ khôi phục lại ca trù Cổ Đạm và cùng với các nghệ nhân thành lập Câu lạc bộ Ca trù Cổ Đạm từ năm 1998.

Chia tay chị Xanh, chúng tôi tìm đến nhà cụ Phan Thị Nga, một trong những ca nương kỳ cựu của làng Cổ Đạm. Cụ Nga năm nay 87 tuổi, tay cụ gõ phách không còn chính xác như xưa nhưng giọng hát vẫn như cô gái đôi mươi. Cụ cũng là một trong những người đầu tiên phát triển phong trào ca trù Cổ Đạm. Chính cụ Nga là người truyền lửa ca trù cho các thế hệ trẻ bây giờ.

Cụ Nga chia sẻ: “Ca trù rất phong phú về làn điệu cũng như cách thể hiện nên học rất khó. Ví dụ: Bài Tỳ Bà hành có đến 36 làn, lúc lên lúc xuống. Bài múa Tứ Quý thì có đến 600 điệu múa khác nhau. Để học được ca trù, đòi hỏi người học phải có năng khiếu và phải thực sự có tâm huyết, đam mê thì mới học được. Thế hệ trẻ bây giờ thiếu kiên nhẫn nên hát không được như các cụ ngày xưa”.

Với cụ Nga, trên 70 năm hát ca trù có lẽ vẫn là chưa đủ để góp nhặt được tất cả các yếu tố kỹ thuật và xúc cảm cho một giọng đào nương thuần thục. Bởi vậy, dù đã ở cái tuổi xưa nay hiếm, cụ vẫn rất tích cực tham gia CLB ca trù và gom góp thêm những kiến thức mới để truyền dạy cho con cháu.

Tre già, măng mọc
Với niềm đam mê hát ca trù và muốn gìn giữ nét truyền thống quê hương Cổ Đạm, bé Nguyễn Thị Thu Hà đã quyết tâm theo đuổi nghiệp hát ca trù. Thu Hà sinh năm 2002 (tại xóm 4, xã Xuân Hồng, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh). Dù được sinh ra trong một gia đình không có truyền thống nghệ thuật, nhưng em sớm bộc lộ chất giọng trời phú và có may mắn được tiếp cận với ca trù từ rất sớm.

Nhà Hà cách xã Cổ Đạm trên 20km, nhưng chiều thứ 3 và thứ 5 hàng tuần, bố mẹ vẫn thay phiên chở em đi học hát. Đáp lại sự quan tâm của gia đình, sự nhiệt tình chỉ bảo của các nghệ nhân trong câu lạc bộ, giọng ca của Hà ngày càng nhuần nhuyễn. Trong cuộc thi Liên hoan Ca trù toàn quốc lần thứ 2 năm 2011 tại Hà Nội, Thu Hà đã thể hiện bài nói Đào hồng Đào Tuyết và Tứ quý Yên lưng (lời cổ). Với giọng hát trong sáng, chuyển tải được “cái hồn” đặc trưng của nghệ thuật ca trù, Thu Hà đã chinh phục trái tim khán giả và khiến họ xúc động khi em hát. Bên cạnh phong cách biểu diễn tự nhiên, khuôn mặt tươi tắn và có nét cao quý của một đào nương đã giúp Thu Hà giành được giải Ca nương triển vọng của cuộc thi.
Khi được hỏi vì sao thích hát ca trù thì bé tủm tỉm cười: “Bởi em thấy nó hay nên em muốn học”. Câu trả lời ngắn gọn, giản dị nhưng đã nói lên tất cả. Từ xưa đến nay, tre già măng mọc, người Cổ Đạm cũng chỉ vì yêu ca trù mà hát hay, phách chuẩn. Họ luôn ấp ủ hy vọng đưa Ca trù Cổ Đạm trở thành món ăn tinh thần của quần chúng nhân dân không chỉ vùng Nghệ Tĩnh.
                                                                                                              Vũ Ngọc (Baomoi)

0 Ý kiến bạn đọc:

Đăng nhận xét