Trang

Recent Posts

19 thg 1, 2011

Lạ kỳ sức sống ca trù Cổ Đạm


Truyền thuyết ông tổ ca trù Cổ Đạm
Theo sách Đại Nam sử kí, lối hát ca trù ở Cổ Đạm xuất hiện từ thế kỉ thứ 6. Người ta không cắt nghĩa được ca trù hình hành như thế nào, song già trẻ trong làng đều thuộc nằm lòng một truyền thuyết: Xưa kia, làng Cổ Đạm có chàng Đinh Lễ, con nhà nghèo nhưng chịu khó dùi mài kinh sử và đỗ đạt cao.

Vì ghét thói xu nịnh, lại không màng danh lợi nên chàng không chịu làm quan. Một hôm, Lễ được một cụ già dặn dò rồi cho một khúc gỗ ngô đồng. Chàng y lời dặn, đẽo thành cây đàn. Tiếng đàn phát ra một âm sắc khác thường, không lảnh lót mà khoan thai, không réo rắt mà trầm đục. Từ đó, Lễ hằng ngày ôm đàn và hát những giai điệu do mình ngẫu tác. Về sau, tiếng đàn của Lễ đã khiến cho công chúa Bạch Hoa bị câm đã bật giọng oanh vàng. Chàng được lưu lại trong cung để hát hầu vua, hoàng hậu và các quan đại thần. Rồi Lễ được vua gả công chúa làm vợ, hai người về Cổ Đạm sinh sống và trở thành cặp đào kép đầu tiên của xứ cát này. Làng Cổ Đạm hiện vẫn còn đền thờ Đinh Lễ và xem ông là ông tổ của ca trù.

Chốn đi về của tao nhân

Nghệ nhân ca trù Phan Thị Mơn.

Dù đã có truyền thuyết nhưng ca trù làng Cổ Đạm thuộc xã Cổ Đạm, huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) có từ bao giờ, vẫn là một câu hỏi khó giải đáp cho những nhà nghiên cứu văn học dân gian. Chỉ biết rằng có một câu chuyện bắt đầu từ Uy viễn Tướng công Nguyễn Công Trứ, trước khi làm quan (1820) từng là kép đàn của giáo phường Cổ Đạm, trong gánh hát của người đẹp Huệ Thư. Mối tình này sau đó được viên quan tài hoa họ Nguyễn thể hiện trong lời hát trứ danh: “Giang san một gánh giữa đồng/Thuyền quyên (ứ hự) anh hùng nhớ không”. Rồi chuyện nàng Nguyệt, nàng Khang (những ca nương nổi tiếng một thời) "giữa đường đứt gánh", bỏ kinh kỳ về Cổ Đạm, để lời hát nay vẫn còn ai oán: “Giáo phường tuy đệ nhất/ Tiếng tài hoa từ những thuở con con/ Hạt mua ngâu lác đác dưới thuyền son/ Làm son phấn mơ màng cung Hán đế”.

Cụ Phan Thị Mơn, một trong đào nương già nhất còn sống của làng ca trù cổ kể, 10 tuổi cụ đã được thầy Phan Hưng dạy hát nhuyễn các làn điệu ca trù rồi cùng đào kép trong phường đi hát hầu quan viên khắp xứ Bắc, xứ Trung; vào tận Đồng Nai hát việc làng, việc tổng, hội hè, đình đám. Năm 17 tuổi, quan Bộ Lễ ở Huế ra mời cụ vào hát tiến vua Bảo Đại ở điện Thái Hòa. Thế rồi, nghiệp hát đứt gánh giữa đường, 17 tuổi cụ lấy chồng, bỏ lại câu hát lửng lơ. Cụ nói ví: "Quan thì cách, khách thì về Tàu, nhà giàu lên địa chủ. Có ai nghe nữa mô mà hát!". Năm mươi năm ngậm câu hát trong dạ, không còn đi diễn. Cụ bảo:?“Nuốt nước mắt, thương nhớ lắm mà nghiệp hát chẳng có dịp cất lời”. Nay bước sang tuổi 87, ca trù đang phục hồi, cụ lại được hát mà giọng hát ngân lên vẫn đắm say, vẫn "vang, rền, nền, nảy".

Ốm vẫn cáng võng đi hát

Về Cổ Đạm, đi tìm những đào nương già và câu hát cũ, tôi được chứng kiến biết bao câu chuyện xúc động về số phận con người.

Người Cổ Đạm kể cho tôi nghe về cuộc một đào nương tài sắc nhưng chìm nổi ba đào của làng. Đào nương đó là Phan Thị Khánh, có giọng hát tuyệt vời, sắc đẹp nức tiếng. Năm 18 tuổi, cô lên rừng hái củi, gặp quan tri huyện đi săn. Viên quan mê đắm sắc đẹp nàng sơn nữ và một đám cưới ép duyên đã xảy ra sau đó. Cô Khánh sinh được 2 người con nhưng đều đoản mệnh.

Làm vợ quan cũng không hợp tính, cô xin về quê thay cha mẹ nuôi em. Về làng, cô lại đi hát trở nên "nổi đình nổi đám". Có quan đốc tờ là giám đốc Bệnh viện Vinh thuở trước đã mê cô Khánh nên xin được gá nghĩa phu thê. Cô Khánh không sinh con cùng quan đốc nhưng làm nghĩa mẫu chăm sóc chu toàn 10 người con của người vợ cả của chồng. Quan đốc mất, bà Khánh lại về Cổ Đạm, trú trong túp lều lủi thủi ra vào như chiếc bóng. Năm 2000, cơn bão quét qua Nghi Xuân, túp lều ngã đổ. Người em rể cùng các cháu ở thôn Song Phượng, cách Cổ Đạm non 10 km, đón cụ Khánh về nuôi.

Năm 1998, ca trù Cổ Đạm bắt đầu phục hồi, cụ Khánh cũng bắt đầu ốm liệt giường. “Thế nhưng lạ lắm! Có hội hát ở huyện, ở tỉnh, người ta vẫn lấy võng khiêng cụ đi. Người thẳng đơ như cây héo trên võng nhưng giọng cụ Khánh vẫn mượt mà. Nếu buông rèm mà hát thì chẳng khác gì giọng đào nương ở tuổi đôi mươi”- cụ Phan Thị Mơn thán phục.

Chuyện khó tin về giữ thanh sắc

Cuộc đời đào nương - giai nhân Phan Thị Khánh cũng ba chìm bảy nổi như thân phận lối hát ca trù. Có lúc hoàng kim, rực rỡ; có lúc chìm đắm, tắt bặt. Đầu thế kỷ 20, khi thực dân Pháp vào đô hộ VN, ca trù biến thành hát ả đào và người ta cho đó là trò tiêu khiển.

Những đào nương thanh sắc được gọi là con hát. Rồi đến Kháng chiến chống Pháp, đào kép ca trù cũng lên rừng xuống biển theo Kháng chiến mà tạm quên nghiệp cầm ca. Ca trù Cổ Đạm bặt giọng hơn nửa thế kỷ. Cứ tưởng lối hát ấy đã phải theo những đào kép cuối cùng trở về với đất, cho đến một ngày ca trù Cổ Đạm, trong làn sóng phục hưng các giá trị truyền thống, đã lại hồi sinh...

Xưa ở quê, tôi thường nghe câu "thầy già, con hát trẻ”. Song, vận vào những đào nương có tuổi ở đất Cổ Đạm thì không phải vậy. Giọng đào Khánh trẻ tươi cho đến ngày rụng tóc, khô xương ở tuổi ngoài 90. Ai đó từng nhận xét: "Tiếng hát ca trù tự nó đã mang sẵn một cây đàn nhiều phím". Nhóm biểu diễn thường có ba người, ca nương sử dụng luôn cả phách, sênh (làm bằng gỗ trắc và tre gõ vào nhau thành nhịp), một nhạc công chơi đàn đáy, người còn lại chơi trống chầu kiêm luôn là người thưởng thức. Ca hay thì khen thưởng bằng tiếng “tom” chê thì bằng tiếng “chát”. Trang phục đều là áo dài cổ truyền màu đen hoặc màu gụ, ca nương đầu quấn khăn đen cuộn tròn khi biểu diễn. Để giọng hát được trong trẻo như tiếng oanh, tiếng phượng thì các ca nương phải uống nước ở khe Môn nằm sau lưng núi Cầm Sơn. Theo người dân Cổ Đạm, để giữ giọng, trong thời gian nhận hát, đào nương hoàn toàn tuyệt giao chuyện chăn gối. Có người bảo ở Cổ Đạm còn có một loài ếch, ăn vào sẽ thanh giọng, người theo nghề hát ca trù vẫn thường chọn dùng. Đó là chuyện cầu kỳ kiêng cữ và khổ luyện.

Cốt cách ca trù Cổ Đạm

Những nghệ nhân dân gian Phan Thị Mơn, Trần Thị Gia, Phan Thị Nga, Hà Thị Bình mà tôi đã đối diện trong những canh hát ngẫu hứng ở chuyến về Cổ Đạm lần này thì đúng là những "báu vật sống".

Họ đã bước vào tuổi trên dưới 80, song vẫn là những huyền thoại về giọng ca. Có cụ đập đập, xoa xoa đôi bàn chân phủi cát, các cụ chọn thế ngồi rồi cất tiếng hát, giọng đắm đuối, bay bổng. Nào là tì bà, vọng đại thạch, chúc hộ, bài bông; nào là: nhịp ba cung bắc, rước, sắc bùa, trống quân, bắc phản...

Tôi ngồi lặng trên chiếc giường tre cũ kỹ dưới mái lều nhỏ vài mét vuông lợp ngói xi măng nhà nghệ nhân Phan Thị Mơn.Cụ vén chiếc mền lỗ chỗ vết rách, chằng chíu những mụn vá nhường chỗ cho tôi ngồi hầu chuyện.Nghe cụ hát, giọng hát của cụ dù da diết, đắm say vẫn chứa nhiều uẩn khúc, u buồn. Để rồi, nghe cụ Mơn hồi tưởng: "Xưa, quan viên cầm chầu gõ 7 tiếng cắc là báo hiệu không muốn nghe đào nương hát nữa. Ai bị mời xuống là hổ thẹn lắm, nên đào nương lúc đó phải luyện giọng để hát sắc nét, phong thái phải đài các lịch thiệp. Trong thảm thiết tài tình còn chứa chút lẳng lơ". Đào nương già nheo mắt cười móm mém và tiếp tục nhịp phách. Tôi thầm nghĩ sức lay động thật sự của ca trù Cổ Đạm, là ở chính tâm hồn của người hát như cụ Mơn.
(Theo Báo mới)

0 Ý kiến bạn đọc:

Đăng nhận xét