Trang

Recent Posts

17 thg 5, 2013

Chủ tịch xã đầu thú 'trục lợi hồ sơ đất của dân nghèo'

TP - Sau hơn một tuần lấy lý do đi viện chữa bệnh, ngày 17/5, Chủ tịch UBND xã Xuân Viên (Nghi Xuân, Hà Tĩnh) Cao Viết Đức ra trình diện công an huyện Nghi Xuân và bị bắt tạm giam tại đây.
Chủ tịch xã Xuân Viên Đào Việt Đức
Chủ tịch xã Xuân Viên Đào Việt Đức.
Sau loạt bài điều tra “Trục lợi hồ sơ đất của dân nghèo” của PV Tiền Phong, ngày 7/5, Công an huyện Nghi Xuân tiến hành khám xét, bắt giam 3 tháng đối với Chủ tịch UBND xã Xuân Viên Cao Viết Đức và Trần Xuân Ngân, cán bộ địa chính xã về hành vi “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong thi hành công vụ”. Khi các điều tra viên ập vào trụ sở làm việc và nhà riêng, ông Đức vắng mặt. Người thân cho biết ông này đang đi chữa bệnh tại Hà Nội.
Ngày 16/5, ông Cao Viết Đức đến Công an huyện Nghi Xuân trình diện và bị các điều tra viên bắt tại đây. Bị can được đưa lên xe đưa về trụ sở UBND xã Xuân Viên để các điều tra viên khám xét phòng làm việc. Dù cố tỏ ra bình thản nhưng bị can Đức vẫn né tránh ống kính của PV, nhiều người dân tập trung bên ngoài trụ sở theo dõi việc khám xét. Gần một giờ sau, bị can Cao Viết Đức được đưa về Công an huyện để tiếp tục lấy lời khai.
Được biết, ngoài một số cán bộ xã như bí thư, phó chủ tịch xã Xuân Viên, hai cán bộ khác ở cấp huyện cũng đang bị CQĐT xem xét trách nhiệm liên quan. Đó là nguyên Trưởng phòng Tài nguyên - Môi trường huyện và nguyên Chủ tịch UBND huyện Nghi Xuân Nguyễn Hiền Lương (ông Nguyễn Hiền Lương hiện là Phó giám đốc Sở Công thương Hà Tĩnh - PV). Trong thời gian ông Nguyễn Hiền Lương làm Chủ tịch UBND huyện Nghi Xuân đã để xảy ra bê bối đất đai tại nhiều xã. 
 Minh Thùy - Tuấn Anh (Tien phong)

Phóng sự: Những người con xa xứ

"Những người con xa xứ" - Là loạt phóng sự thực tế của báo Tuổi Trẻ được ghi hình tại Hàn Quốc. Phim dài 30 tập, là hình ảnh sống động, những con người chân thật gần gũi nhất về những cuộc hôn nhân và chuyện xa xứ mưu sinh với biết bao cảm xúc buồn vui và có cả những niềm tự hào của người Việt Nam trên đất Hàn.



Cương Gián Lật thuyền, vợ chồng chết đuối

Chiều 16-5, hai vợ chồng anh Lê Văn Dung (43 tuổi) và chị Dương Thị Loan (42 tuổi) đánh cá trên khúc sông Mỹ Dương (tại thôn Nam Sơn, xã Cương Gián, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh) thì bị lật thuyền. Cả hai vợ chồng đã bị chết đuối, để lại 5 người con không nơi nương tựa
Theo lời kể của gia đình nạn nhân, khi hai vợ chồng đi đánh cá trên sông Mỹ Dương được khoảng một tiếng thì bị lật thuyền.
Chị Loan bị ngã xuống sông, anh Dung nhảy xuống cứu nhưng bị chị Loan ôm chặt, hai vợ chồng cùng bị đuối nước.
Vợ chồng anh Dung mất bỏ lại 5 người con. Người con gái đầu đã đi lấy chồng, các cháu còn lại đều đang ở độ tuổi ăn học nhưng do hoàn cảnh gia đình khó khăn nên các cháu đều phải bỏ học giữa chừng.
Cháu nhỏ nhất là Lê Văn Đạt, học lớp 2.
Hai vợ chồng quần quật làm ruộng và đánh cá ven sông để kiếm sống và nuôi 5 đứa con đang tuổi ăn tuổi lớn.
Tối 16-5, lãnh đạo Ủy ban nhân dân xã Cương Gián đã đến động viên an ủi gia đình nạn nhân, đồng thời hỗ trợ 3 triệu đồng để mai táng cho hai  nạn nhân.

16 thg 5, 2013

Bơ vơ 4,5 vạn người Việt tại Angola: Sống trong sợ hãi!

Angola là một thị trường XKLĐ tiềm năng lớn. Thu nhập trung bình của người lao động (NLĐ) từ 1.000 đến 1.500 USD/tháng trở lên. Hiện có hơn 4,5 vạn lao động Việt Nam đang làm việc tại quốc gia châu Phi này. Điều lạ là trong khi lao động vẫn ồ ạt sang Angola làm việc thì Bộ LĐ-TB&XH lại khẳng định chưa cấp phép. Loạt bài dài kỳ trên báo Tiền Phong đã phần nào hé lộ nỗi lo sợ của người lao động Việt Nam trên đất Angola.
Khổ vì phải đi chui
Theo thống kê của Cục Xuất nhập cảnh và Người nước ngoài (Angola), hiện có hơn 45.000 người Việt Nam đang cư trú và làm việc tại Angola. Đây là thị trường lao động phong phú, NLĐ chủ yếu làm các nghề giản đơn (như photocopy, xử lý ảnh, sửa chữa ô tô...), nhưng cho thu nhập 1.000-1.500 USD/tháng. Bắt đầu từ năm 2009, nhiều lao động xây dựng Việt Nam đã được đưa sang Angola làm việc theo hình thức tự phát (tiểu ngạch). Tại thời điểm đó, có những ngày, hàng trăm NLĐ Việt Nam đặt chân đến Angola theo thị thực lao động. Tuy nhiên, trong số này, vẫn có một số người vì muốn sang Angola nhanh nên đã xin thị thực bình thường (thị thực du lịch).
Như vết dầu loang, ở nhiều vùng quê nghèo ở hai tỉnh Hà Tĩnh và Nghệ An, số thanh niên đăng ký đi Angola ngày một gia tăng. Nhà ít cũng phải có từ 1-2 người; nhà nhiều có từ 3-4 người tham gia. Thậm chí, tại Hà Tĩnh, bắt đầu xuất hiện nhiều khái niệm “làng Angola”, “xóm Angola” vì mọc lên nhiều căn biệt thự bạc tỷ từ nguồn tiền Angola gửi về.
 
Một cửa hàng điện tử người Việt (ảnh trên) và ông chủ trẻ Nguyễn Lương Huy Hoàng (ảnh bên) tại Angola .
 
Giám đốc một Cty chuyên lo thị thực đi Angola (tại Hà Nội) cho biết, chi phí để NLĐ sang Angola làm việc từ 6.000 đến 7.000 USD/người. Phần lớn lao động đi Angola là thanh niên (tuổi từ 18 đến 35).
Ông T.T (xin được giấu tên), giám đốc một Cty chuyên làm thủ tục cho NLĐ sang Angola cho PV Tiền Phong biết, vì Bộ LĐ-TB&XH chưa cấp phép nên việc đưa NLĐ sang Angola (dưới con mắt của lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH) vẫn là “bất hợp pháp”. Theo ông T.T, thực tế, có nhiều Cty của Angola và Việt Nam muốn đưa lao động (Việt Nam) sang làm việc tại nước này, nhưng chưa có đơn vị nào được Bộ LĐ-TB&XH cấp phép. Do đó, họ phải sử dụng môi giới để đưa lao động sang Angola.
Bộ chủ quản đứng ngoài
Nhiều lao động cho biết, khi tới Angola, các Cty xin giấy phép lao động chỉ chịu trách nhiệm đón NLĐ ra khỏi sân bay Quốc tế Luanda (Angola).
Việc gia hạn thị thực sau 365 ngày sẽ được Cty xin giấy phép lao động đứng ra thu xếp thông qua người môi giới với mức phí từ 1.000-2.000 USD/lần. Tuy
nhiên, có nhiều trường hợp NLĐ không biết được Cty xin giấy phép lao động cho mình có tồn tại hay không và địa chỉ ở đâu nên đành chấp nhận thông qua dịch vụ với chi phí rất đắt đỏ.
Hiện, việc làm của hơn 4,5 vạn NLĐ Việt Nam tại Angola đang bị đe dọa vì bị cho là làm việc chui. Trong khi đó, Bộ LĐTB&XH vẫn đang đứng ngoài cuộc. Chính vì bị thả nổi, không được quan tâm đúng mức, nên gần đây đã xảy ra nhiều sự cố đau lòng liên quan đến NLĐ Việt Nam tại Angola.
Dư luận thắc mắc, tại sao một thị trường tốt, cho thu nhập cao như Angola, NLĐ đã đi làm việc hàng chục năm nay, nhưng Bộ LĐ-TB&XH lại không cấp phép cho bất cứ một Cty nào tham gia. Ông Nguyễn Kiếm, nguyên Chánh văn phòng Bộ KH&ĐT cho biết, vấn đề đáng bàn là NLĐ tuy đi bằng con đường tiểu ngạch, nhưng họ phải làm hộ chiếu, phải có hồ sơ pháp lý, phải có thị thực...
Chẳng lẽ khi NLĐ làm các công đoạn đó lại có thể qua mặt được tất cả các cơ quan chức năng. Buồn hơn, khi xảy ra sự cố, thay vì bảo vệ NLĐ, lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH lại lên tiếng nói rằng “chưa bao giờ cấp phép cho họ” hoặc “giữa hai quốc gia chưa có ký kết hợp tác lao động”.
(Theo Tiền Phong)

10 thg 5, 2013

Bắt giữ cựu chủ tịch xã trục lợi bán đất sai quy định

Sáng ngày 7/5 cơ quan điều tra Công an huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) đã tiến hành lệnh bắt giữ đối với cựu chủ tịch UBND xã Xuân Viên, cán bộ địa chính và kế toán của xã này về tội danh "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong thi hành công vụ".

Cơ quan Công an huyện Nghi Xuân đã thực hiện lệnh bắt tạm giam 3 tháng đối với ông Cao Viết Đức - cựu chủ tịch UBND xã Xuân Viên; ông Trần Xuân Ngân - nguyên là cán bộ địa chính xã; Khởi tố bị can, cấm đi khỏi nơi cư trú đối với bà Phan Thị Sáu - nguyên là cán bộ kế toán xã. Cơ quan điều tra cũng đã thực hiện lệnh khám xét phòng làm việc đối với các bị can trên. Niêm phong các giấy tờ liên quan để phục vụ công tác điều tra vụ án.
 
Trước đó, ngày 2/5 Công an huyện Nghi Xuân đã khởi tố vụ án “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ” đối với ông Đức, ông Ngân và bà Sáu. Cụ thể, từ tháng 10/2012 đến tháng 2/2013 ba người này đã thông đồng bán 83 lô đất (hơn 6.000 m2) cho người thân quen, không thuộc diện được cấp đất; thu tiền đất 83 lô này vượt quá giá quy định của UBND tỉnh Hà Tĩnh; làm thất thoát 2,5 tỉ đồng trong xây dựng cơ sở hạ tầng.
 
Bắt giữ cựu chủ tịch xã trục lợi bán đất sai quy định
Ông Trần Xuân Ngân, nguyên là cán bộ địa chính xã Xuân Viên tại cơ quan điều tra. 
Ngày 4/5 huyện ủy, UBND huyện Nghi Xuân đã đình chỉ công tác Đảng, cách chức chủ tịch UBND xã đối với ông Đức và cách chức công chức địa chính đối với ông Ngân.
Trao đổi với PV Dân trí, Đại tá Phan Văn Đán - Trưởng Công an huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) cho biết: “Chúng tôi đã thực hiện lệnh bắt giữ đối với cán bộ xã Xuân Viên về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ". Cụ thể là bắt tạm giam 3 tháng đối với ông Cao Viết Đức, cựu chủ tịch xã Xuân Viên và ông Trần Xuân Ngân, nguyên cán bộ địa chính xã này; khởi tố bị can, cấm đi khỏi nơi cư trú đối với bà Phan Thị Sáu, nguyên là cán bộ kế toán của xã. Hiện tại, ông Đức đang đi vắng khỏi địa phương. Đến sáng mai, nếu ông Đức không ra tự thú, chúng tôi sẽ cho phát lệnh truy nã”
   Theo Dân trí