Trang

Recent Posts

20 thg 3, 2013

Trục lợi hồ sơ đất dân nghèo: Vì sao chưa khởi tố?

Sau khi Tiền Phong phanh phui những tiêu cực đất đai tại xã Xuân Viên, Công an huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) vào cuộc điều tra. Nhiều sai phạm nghiêm trọng của lãnh đạo xã Xuân Viên trong việc cấp đất, thu và chi sai nguyên tắc hàng tỷ đồng được làm rõ. Tuy nhiên sự việc đến nay vẫn “án binh bất động”.
Ngôi biệt thự lung linh giữa làng quê của một lãnh đạo xã Xuân Viên
Ngôi biệt thự lung linh giữa làng quê của một lãnh đạo xã Xuân Viên .
Phóng tay “biếu” đất...
Theo tài liệu PV Tiền Phong, trong năm 2010, xã Xuân Viên, xét giao đất cho 82 hộ với diện tích hơn 22 nghìn m2. Qua điều tra, UBND xã Xuân Viên cấp sai cho 24 hộ với diện tích trên 6 nghìn m2. Những hộ được cấp sai chủ yếu là bạn bè, đồng nghiệp và người thân của Chủ tịch UBND xã Xuân Viên Cao Viết Đức, Bí thư Đảng ủy Phan Mạnh Quyền và kế toán, địa chính xã.
Không chỉ ưu tiên “biếu” đất cho bạn bè, người thân, lãnh đạo xã Xuân Viên còn tự đặt ra nhiều kiểu tận thu khác đối với những hộ dân nghèo trong xã khi được cấp đất. Cụ thể thu của 63 hộ dân số tiền 852 triệu đồng, thông báo sai giá đất của 22 hộ tuyến 2 với gần 500 triệu đồng.
Theo tài liệu của Cơ quan điều tra, dù biết chênh lệch số tiền trên nhưng Chủ tịch UBND xã Xuân Viên chỉ đạo không được trả lại tiền cho người dân mà nhờ các hộ dân tự nguyện viết giấy đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng. Sự việc bị phanh phui, nhiều người làm đơn đề nghị UBND xã trả lại tiền.
Kết luận của giám định viên Sở Tài chính Hà Tĩnh, UBND xã Xuân Viên thu sai nguyên tắc gây thiệt hại cho nhân dân trong 2 năm 2010 và 2012 là gần 2,5 tỷ đồng. Số tiền này đã chi sai nguyên tắc, không đúng mục đích. Trách nhiệm chính thuộc về Chủ tịch UBND xã Xuân Viên Cao Viết Đức và Kế toán ngân sách xã Phan Thị Ngân.
Vì sao chưa khởi tố?
Sau loạt bài điều tra của Tiền Phong, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu UBND tỉnh Hà Tĩnh kiểm tra và xử lý. Tỉnh ủy Hà Tĩnh đề nghị huyện Nghi Xuân báo cáo đầy đủ sự việc và hướng giải quyết trước ngày 20/3.
Bà Trần Thị Lệ ở thôn 1, xã Xuân Viên bật khóc khi kể lại việc bị cán bộ xã Xuân Viên (huyện Nghi Xuân) lừa mượn sổ đỏ để đứng tên mua đất cho người khác
Bà Trần Thị Lệ ở thôn 1, xã Xuân Viên bật khóc khi kể lại việc bị cán bộ xã Xuân Viên (huyện Nghi Xuân) lừa mượn sổ đỏ để đứng tên mua đất cho người khác .
Gần bảy tháng điều tra, căn cứ vào tài liệu, chứng cứ thu thập được, Công an huyện Nghi Xuân đề nghị khởi tố vụ án về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, khởi tố bị can đối với Chủ tịch UBND xã Xuân Viên Cao Viết Đức, Bí thư Đảng ủy Phan Mạnh Quyền và cán bộ địa chính Trần Xuân Ngân.
Để xảy ra những sai phạm nghiêm trọng này có trách nhiệm của Phó Bí thư Đảng ủy xã, Chủ tịch HĐND xã và các thành viên trong hội đồng tư vấn.
Ngoài ra, chịu trách nhiệm về vụ việc này còn có nguyên Chủ tịch UBND huyện Nghi Xuân, Nguyễn Hiền Lương (ông Lương hiện là Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Tĩnh - PV) và nguyên trưởng phòng Tài nguyên Môi trường huyện.
Tại cuộc họp mới đây giữa Công an, Viện Kiểm sát và Tòa án nhân dân huyện Nghi Xuân để đưa ra kết luận cuối cùng, bất ngờ đề nghị của Công an bị Viện Kiểm sát bác bỏ.
Phía Viện Kiểm sát cho rằng, việc xét cấp đất của lãnh đạo xã Xuân Viên chưa xác định được thiệt hại vật chất nên chưa đủ căn cứ xác định về trách nhiệm hình sự đối với các cá nhân liên quan (?).
Còn về việc lãnh đạo xã Xuân Viên thu thêm tiền của những hộ dân nghèo được cấp đất, phía Viện Kiểm sát nhận định rằng, giám định kết luận tài chính không rõ về thiệt hại. Do đó chưa đủ căn cứ xác định trách nhiệm hình sự.
Trong khi đó, Giám định viên tài chính thuộc Sở Tài chính Hà Tĩnh đã nêu rất rõ về số tiền sai phạm cụ thể của UBND xã Xuân Viên qua báo cáo cụ thể của Công an huyện Nghi Xuân.
Do không đồng thuận với quan điểm của Viện Kiểm sát, Công an huyện Nghi Xuân báo cáo sự việc lên Công an tỉnh Hà Tĩnh
 (theo tienphong.vn)

14 thg 3, 2013

Khi 'quan' xã thoái hóa

TP - Nghe chuyện sai phạm của cán bộ cấp xã ở một số nơi tại Nghệ An mà giật mình. Lẽ nào các vị quan xã nơi đây lại đăng tâm ăn chặn tiền trợ cấp của cả những người cùng cực trong xã hội.
Họ ăn “bẩn” đến nỗi không tha cả người điên lẫn người tàn tật. Họ vô đạo đức đến nỗi khai tử người đang sống để hưởng lợi. Họ “ăn” tất tần tật những gì có thể “ăn” được, từ nâng khống tuổi của mẹ đẻ, mẹ vợ cho đủ 85 tuổi để nhận trợ cấp cho đến giả mạo chữ ký của thân nhân liệt sỹ để lấy tiền bỏ túi. Họ “ăn” của cả người sống, người bị thương lẫn người đã chết.
Điều đáng lo, những chuyện nhức nhối tương tự như trên đâu chỉ có ở riêng Nghệ An mà còn có ở không ít địa phương khác. Báo chí đã nhiều lần phanh phui, các “quan” xã thoái hóa, biến chất này từng ăn chặn cả tiền cứu đói, cứu trợ bão lụt, thậm chí là cả tiền ăn Tết của Chính phủ cho người nghèo.
Như vậy đâu chỉ có cán bộ quyền cao, chức trọng tham nhũng, lãng phí gây thiệt hại trăm tỉ, ngàn tỉ mới gây bức xúc trong dư luận, mà một số vị “quan” nhỏ cấp xã thoái hóa, biến chất cũng gây hậu họa không hề nhỏ.
Cái hại ở đây chính là, họ đại diện cho chính quyền cấp cơ sở gần dân nhất, song lại tìm mọi cách “ăn” của dân đủ thứ, thay vì chăm lo cho dân theo đúng bổn phận của họ. Hình ảnh những ông “quan” xã này sẽ vô cùng xấu trong mắt người dân, làm xói mòn lòng tin yêu nơi dân.
Nhà nước, chính quyền của chúng ta là do dân, vì dân như Bác Hồ từng căn dặn. Chất lượng của hệ thống chính quyền cấp cơ sở, cấp phường xã sẽ phản ánh phần lớn chất lượng của hệ thống công quyền phục vụ dân.
Do vậy, để lấy lại lòng tin yêu của dân, không có cách nào khác phải bắt đầu từ chính cấp cơ sở, bắt đầu từ phẩm chất, đạo đức của đội ngũ cán bộ xã, phường.
Khi “quan” xã thoái hóa, biến chất không còn là chuyện hiếm, không chỉ có ở một địa phương, cái hại cho dân cho nước không còn là chuyện nhỏ.
theo Việt Hùng Tienphong.vn

Điện lực TP Hà Tĩnh cố tình thu tiền trái quy định?

Thay vì ghi đúng chỉ số báo trên công tơ điện, thì phía nhân viên Cty điện lực TP Hà Tĩnh lại ghi cao hơn. Để rồi thu tiền trái với quy định, khiến người dân khó hiểu và bức xúc.

Nhận được phản ánh của các hộ dân sử dụng điện tại địa bàn phường Bắc Hà, TP Hà Tĩnh chúng tôi đã trực tiếp xuống và ghi nhận toàn bộ sự việc.

Theo đó, trong tháng 2 vừa qua, trong khi tiến hành ghi chỉ số công tơ điện thay vì việc ghi đúng chỉ số báo trên công tơ điện thì phía nhân viên điện lực trực tiếp đi ghi số điện lại nâng khống thêm số Kwh cho người sử dụng. Việc ghi thêm như vậy của Cty điện lực bắt buộc người sử dụng điện phải đóng thêm những khoản tiền vô lý.

Cụ thể, xem hóa đơn ghi và hình ảnh mà một hộ dân cung cấp cho thấy, chỉ số điện sử dụng của gia đình họ trong tháng 2 báo rõ trên công tơ là 12376 Kwh, tuy nhiên phía Cty điện lực lại ghi chỉ số cao hơn là 12392 Kwh.

 
Mặc dù chỉ số ghi trên công tơ điện là thế này... (Ảnh do người dân cung cấp)

“Tại sao lại ghi thêm số sử dụng điện trong khi gia đình tôi chưa sử dụng tới mức đó. Việc ghi số và bắt chúng tôi thanh toán tiền điện như vậy rõ ràng là sai. Nếu theo quy định tôi là gia đình thuộc diện hộ nghèo sử dụng dưới 50 Kwh giá điện chỉ phải nộp là 993đ/kwh, với kiểu ghi số điện cao hơn một cách lạ thường thế này thì làm sao gia đình tôi được hưởng đúng quy định theo thông tư 38/2012/TT-BCT ngày 20/12/2012 của Bộ Công thương. Việc làm đó khiến chúng tôi lại phải gánh thêm khoản tiền phải nộp là vô lý.” – nhiều hộ dân bức xúc nói.
 
...Tuy nhiên phía điện lực TP Hà Tĩnh lại ghi vào hóa đơn lại cao hơn (Ảnh do người dân cung cấp)
Rõ ràng, với cách ghi chỉ số sử dụng điện cho người dân cao hơn mức sử dụng của họ mà phía nhân viên điện lực TP Hà Tĩnh đã làm nêu trên là sai.

Để sử việc này được rõ ràng hơn, chúng tôi đã liên hệ với phía Cty Điện lực TP Hà Tĩnh để làm việc tuy nhiên phía Cty Điện lực vẫn không có phản hồi cụ thể.

Sai trái nêu trên xuất phát từ đâu? Tại sao phía Cty Điện lực TP Hà Tĩnh lại ngang nhiên làm sai như vậy? chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin.
                                                                                            
Tác giả bài viết: Hoàng Phạm (PL&XH)