Trang

Recent Posts

30 thg 10, 2012

Sửa Hiến pháp: Chủ tịch nước giữ chức Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng và an ninh

Theo dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 trình Quốc hội sáng nay, 29-10, Chủ tịch nước có nhiệm vụ và quyền hạn như thống lĩnh các lực lượng vũ trang nhân dân và giữ chức Chủ tịch Hội đồng quốc phòng và an ninh; đề nghị Quốc hội bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Phó Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ...
 
Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đã được Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý trình bày tại Quốc hội sáng 29-10.
 
Trong Chương VI quy định về Chủ tịch nước quy định rõ: Chủ tịch nước là người đứng đầu Nhà nước, thay mặt nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam về đối nội và đối ngoại. Trong đó, Điều 94 sửa đổi, bổ sung Điều 103 của Hiến pháp hiện hành quy định Chủ tịch nước có những nhiệm vụ và quyền hạn: Công bố Hiến pháp, luật, pháp lệnh; đề nghị Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét lại pháp lệnh trong thời hạn mười ngày, kể từ ngày pháp lệnh được thông qua; nếu pháp lệnh đó vẫn được Uỷ ban thường vụ Quốc hội tán thành mà Chủ tịch nước vẫn không nhất trí thì Chủ tịch nước trình Quốc hội quyết định tại kỳ họp gần nhất.
 
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang - Ảnh: PL TPHCM Online
 
Đề nghị Quốc hội bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Phó Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ; căn cứ vào nghị quyết của Quốc hội, bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Phó Thủ tướng, Bộ trưởng và các thành viên khác của Chính phủ; bãi bỏ văn bản của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các thành viên Chính phủ trái với lệnh, quyết định của Chủ tịch nước. 

Đáng chú ý theo dự thảo, Chủ tịch nước có nhiệm vụ và quyền hạn: Thống lĩnh các lực lượng vũ trang nhân dân và giữ chức Chủ tịch Hội đồng quốc phòng và an ninh; quyết định phong hàm, cấp sĩ quan cấp tướng, đô đốc, phó đô đốc, chuẩn đô đốc hải quân; bổ nhiệm Tổng tham mưu trưởng, Chủ nhiệm Tổng cục chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam.

Căn cứ vào nghị quyết của Quốc hội hoặc của Uỷ ban thường vụ Quốc hội, công bố quyết định tuyên bố tình trạng chiến tranh. Căn cứ vào nghị quyết của Uỷ ban thường vụ Quốc hội, ra lệnh tổng động viên hoặc động viên cục bộ, công bố tình trạng khẩn cấp; trong trường hợp Uỷ ban thường vụ Quốc hội không thể họp được, công bố tình trạng khẩn cấp trong cả nước hoặc ở từng địa phương;

Bên cạnh đó, Chủ tịch nước có quyền tham dự các phiên họp của Uỷ ban thường vụ Quốc hội và Chính phủ. Khi cần thiết, Chủ tịch nước yêu cầu Chính phủ họp bàn về những vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch nước.

Còn tại Chương VII quy định về Chính phủ, tại Điều 100 (sửa đổi, bổ sung Điều 109) quy định Chính phủ là cơ quan hành chính nhà nước cao nhất của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền hành pháp, là cơ quan chấp hành của Quốc hội. Chính phủ chịu trách nhiệm trước Quốc hội và báo cáo công tác với Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội và Chủ tịch nước. Điều 101 (sửa đổi, bổ sung Điều 110) nói rõ cơ cấu, số lượng thành viên Chính phủ do Quốc hội quyết định; Chính phủ làm việc theo chế độ tập thể, quyết định theo đa số; Thủ tướng Chính phủ chịu trách nhiệm trước Quốc hội và báo cáo công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ với Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước.

Đặc biệt, thành viên Chính phủ chịu trách nhiệm cá nhân trước Chính phủ, Quốc hội về ngành, lĩnh vực được phân công phụ trách, cùng các thành viên khác chịu trách nhiệm tập thể về hoạt động của Chính phủ.

Dự thảo Hiến pháp (sửa đổi) cũng sửa đổi, bổ sung Thủ tướng Chính phủ có những nhiệm vụ và quyền hạn đề nghị Quốc hội thành lập hoặc bãi bỏ bộ, cơ quan ngang bộ; trình Quốc hội phê chuẩn việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Phó Thủ tướng, Bộ trưởng, thành viên khác của Chính phủ; bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Thứ trưởng và chức vụ tương đương trong bộ máy hành chính nhà nước ở trung ương; phê chuẩn việc bầu, miễn nhiệm, điều động, cách chức Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND, thành phố trực thuộc trung ương...

Về quy định đối với Quốc hội, dự thảo Hiến pháp (sửa đổi) cũng đề xuất, Quốc hội có những nhiệm vụ và quyền hạn: Bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, các Phó Chủ tịch Quốc hội, các Ủy viên Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng dân tộc, các Chủ nhiệm Ủy ban của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Chánh án TAND tối cao, Viện trưởng Viện KSND tối cao, thành viên Hội đồng bầu cử quốc gia, Tổng Kiểm toán Nhà nước; phê chuẩn việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Phó Thủ tướng, Bộ trưởng và các thành viên khác của Chính phủ; phê chuẩn danh sách thành viên Hội đồng quốc phòng và an ninh; phê chuẩn việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Thẩm phán TAND tối cao.

Lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn; quyết định thành lập, bãi bỏ bộ, cơ quan ngang bộ của Chính phủ; thành lập mới, nhập, chia, điều chỉnh địa giới hành chính tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; thành lập hoặc giải thể đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt; thành lập, bãi bỏ cơ quan khác theo quy định của Hiến pháp và luật...

Đặc biệt, Quốc hội quyết định việc tuyên bố tình trạng chiến tranh và phê chuẩn việc ký kết hiệp ước hoà bình; quy định về tình trạng khẩn cấp, các biện pháp đặc biệt khác bảo đảm quốc phòng và an ninh quốc gia; quyết định chính sách cơ bản về đối ngoại; phê chuẩn hoặc bãi bỏ điều ước quốc tế về chiến tranh và hòa bình, các vấn đề liên quan đến chủ quyền quốc gia, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, tư cách thành viên của Việt Nam tại các tổ chức quốc tế và khu vực, thương mại quốc tế và các nội dung được quy định trong luật.  Quyết định việc trưng cầu ý dân...
Theo NLĐ

3 thg 10, 2012

Đâu rồi Hạt Kê vàng Nghi Xuân ?

Vùng đất Nghi Xuân từ xưa tới nay được nhiều người biết tới và rất đáng tự hào không chỉ về văn hoá mà còn có đặc sản nổi tiếng là kê vàng - Một món ăn độc đáo thích hợp với nhiều đối tượng từ bậc quyền quý đến thường dân.

Ngày xưa kê còn được làm quà để tiến vua, hàng chục thế kỷ người xứ Nghệ đã có tục cổ truyền nấu chè kê đặt cùng bánh chưng xanh và thịt mỡ dưa hành để cúng ông bà tổ tiên khi xuân về tết đến. Hạt kê rất nhỏ nhưng vàng óng và nấu rất dễ chín. Kê thích hợp với mật mía. Chả thế mà mua kê về nấu chè người ta phải tìm loại mật ngon, nguyên chất.
Nghi Xuân vào những năm 1990 trở về trước nhiều gia đình đã từng làm bánh kê bày bán tại chợ Giang Đình và nhiều chợ khác trong huyện. Bánh kê được làm bằng những nồi cháo kê ngọt lừ đã được cô đặc sau đó sau đó phủ lên chiếc bánh đa vừng gấp lại , ai thưởng thức cũng tấm tắc ngon. Hạt kê còn được những người vui thú nuôi chim cảnh làm thức ăn cho chim hàng ngày - đặc biệt là chim họa mi và chim hoàng yến.
chè hạt kê
Hạt kê vàng
Nghi Xuân tuy là huyện nhỏ và đất cát pha nhưng lại là đất thích ứng phát triển với giống kê vàng nhất. Nhiều vùng như Xuân Giang , Cổ Đạm , Xuân Mỹ , Xuân Thành .. thưở trước hầu như nhà nào cũng có một ruộng kê . Nhà ít 1 sào nhà nhiều lên tới 3-4 sào . Đặc biệt thời điểm năm 1977- 1980 là giai đoạn kê vàng Nghi Xuân phát triển cực thịnh nhất , toàn huyện Nghi Xuân diện tích trồng kê từ 150 ha - 200ha, năm 1978 kê vàng Nghi Xuân đã trở thành một trong những mũi nhọn chiến lược của huyện và là một trông những món hàng được xuất khẩu sang các nước Đông Âu cùng với lạc , đậu , vừng , diện tích được phát triển gần 300 ha và được mùa lớn thu hoạch hơn 350 tấn , góp một phần đáng kể cho nền kinh tế dân sinh.
Thế nhưng chẳng hiểu vì lý do gì mà giống kê vàng Nghi Xuân lại bị mai một dần và đến năm 2012 các ruộng kê của Nghi Xuân một thời rực rỡ đã bắt đầu vắng bóng. Nhiều khách hàng thất vọng khi dạo quanh các chợ để mua kê về nấu chè nhưng không thấy nơi nào bán. Hỏi dân địa phương nhiều người lắc đầu bảo " Giống kê đã lặn đâu mất rồi ". Tìm hiểu mới biết không phải dân chán trồng kê vì kê là món ăn ai cũng thích nhưng vì thị trường đang nhiều mặt hàng lôi cuốn họ có lợi nhuận cao hơn. Nhưng họ đâu hiểu rằng nhiều mặt hàng mới mà họ đam mê đã có người phải trả giá học phí rất đắt vì những biến cố khó lường. Còn chuyện trồng kê tuy lợi nhuận có thể không cao lắm nhưng vẫn là "Hạt kê vàng" giúp dân "xoá đói giảm nghèo" và khi thị trường khan hiếm lại trở nên đông khách.
 
Theo tác giả: Phan Thế Cải- Báo Hà Tĩnh

2 thg 10, 2012

Ổ mại dâm núp bóng quán hải sản

Sau khi mở quán ở bãi biển Xuân Thành (Hà Tĩnh), Hạnh nhờ người về các bản làng, tìm những cô gái tuổi teen đi làm phục vụ.

Chiều 29/9, Nguyễn Thị Hồng Hạnh (35 tuổi, ở xã Xuân Thành, Nghi Xuân, Hà Tĩnh) bị Tòa án tỉnh Nghệ An tuyên phạt 10 năm tù về tội "Chiếm đoạt trẻ em". Đồng phạm Lương Thị Hòa (27 tuổi, ở Tương Dương, Nghệ An) nhận 8 năm tù.
Nguyễn Thị Hồng Hạnh trước vành móng ngựa. Ảnh: N.K
Nguyễn Thị Hồng Hạnh trước vành móng ngựa. Ảnh: N.K
Sống ở vùng biển xã Xuân Thành, nơi có hàng trăm tụ điểm mại dâm hoạt động tấp nập ngày đêm nên Nguyễn Thị Hồng Hạnh cũng muốn đổi đời bằng việc mở quán hải sản núp bóng động mại dâm. Để cạnh tranh với các trung tâm khác, Hạnh ưu tiên chọn lựa những cô gái trẻ ở miền núi cao, dân tộc ít người về phục vụ.
Tháng 8/2008, biết Lương Thị Hòa là người ở huyện vùng cao Tương Dương, nơi có nhiều em nhỏ bỏ học, nhẹ dạ, cả tin, sẵn sàng đi làm "gái" ở vùng biển Xuân Thành nên Hạnh nhờ Hòa tìm người. Một tháng sau, Hòa tìm được em Lương Thị Hằng (17 tuổi) xuống phục vụ tại quán Hạnh.
Khi biết bạn của Huyền là Mai (cùng 17 tuổi) rất muốn xuống biển Xuân Thành làm việc, Hạnh đã đưa cho Hòa 300.000 đồng để đi đón người. Sợ bố mẹ Mai biết, Hòa còn viết bức thư kể về cuộc sống "ăn sung mặc sướng" của Huyền và rủ Mai không phải mang đồ đạc, chỉ mặc một bộ quần áo đẹp nhất rồi lên đường.
Cũng với thủ đoạn tương tự, Hạnh đã bảo Mai viết bức thư rủ một người bạn khác mới 12 tuổi xuống làm việc. Lần này, Hòa cũng nhận 300.000 đồng để đi đón người... Khi Hòa vừa đưa được cô bé 12 tuổi ra khỏi bản thì bị Công an huyện Tương Dương phát hiện và bắt giữ.
Quá trình điều tra, một số cô gái khai nhận đã bị bà chủ Hạnh ép bán dâm cho khách nhưng cơ quan điều tra cho rằng sự việc xảy ra quá lâu, các cô gái không có người làm chứng, khách mua dâm là khách vãng lai nên không đủ chứng cứ để buộc tội vì vậy chỉ truy tố Hạnh và Hòa tội "chiếm đoạt trẻ em".
Theo vnexpress.net

Hội nghị TW 6 bàn các vấn đề "quan trọng và phức tạp"

Hội nghị Trung ương 6 khóa XI sẽ tập trung xem xét nội dung xây dựng quy hoạch cán bộ cấp chiến lược, đồng thời thảo luận 3 nhóm vấn đề lớn của đất nước và Đảng.

Sáng 1/10, Hội nghị Trung ương 6 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI khai mạc.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu khai mạc hội nghị
"Quan trọng và phức tạp"
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phát biểu một số ý kiến mang tính gợi mở, nêu các vấn đề để Trung ương thảo luận.
Theo đó, thứ nhất, về kinh tế - xã hội năm 2012 và phương hướng kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2013, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề nghị Trung ương tập trung thảo luận, phân tích kỹ những đặc điểm nổi bật của năm 2012. Trên cơ sở đó, xác định những quan điểm phát triển, tư tưởng chỉ đạo, mục tiêu tổng quát và một số chỉ tiêu cơ bản, quan trọng nhất cho năm 2013.
Đề cập đến vấn đề đất đai, Tổng Bí thư đề nghị Trung ương tập trung thảo luận kỹ để đi đến thống nhất ban hành Nghị quyết của Trung ương định hướng cho việc nghiên cứu sửa đổi Luật Đất đai.
Thứ hai, về phát triển giáo dục - đào tạo và khoa học - công nghệ, Tổng Bí thư cho rằng đây là những vấn đề đặc biệt quan trọng, đã được coi là quốc sách hàng đầu, là động lực phát triển kinh tế - xã hội.
Có một loạt vấn đề cần được thảo luận, làm rõ như: vì sao lúc này phải đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo, phát triển khoa học và công nghệ? Phạm vi, mục tiêu yêu cầu của mỗi Đề án đến đâu? Đổi mới căn bản, toàn diện là gì? Những chủ trương, chính sách, biện pháp gì cần phải thống nhất ban hành để lãnh đạo, chỉ đạo tiếp tục đổi mới giáo dục-đào tạo và phát triển khoa học - công nghệ?...
Thứ ba, liên quan đến một số vấn đề về xây dựng Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho hay, từ Đại hội XI của Đảng đến nay, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã ban hành khá nhiều văn bản quan trọng và đã dành nhiều công sức cho việc thực hiện nhiệm vụ then chốt này. Tại Hội nghị này, Bộ Chính trị sẽ báo cáo kết quả bước đầu để Trung ương cho ý kiến.
Xây dựng quy hoạch cán bộ cấp chiến lược
Một nội dung quan trọng của hội nghị lần này là thảo luận các nội dung xây dựng quy hoạch cán bộ cấp chiến lược.
Theo Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, tại Hội nghị này, Trung ương chưa thể bàn về nhân sự quy hoạch cụ thể mà chủ yếu tập trung cho ý kiến về mục đích, yêu cầu, quan điểm, nguyên tắc, phương châm, nội dung của việc xây dựng quy hoạch cán bộ cấp chiến lược.
Nội dung công tác quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các chức danh cán bộ lãnh đạo chủ chốt của Đảng và Nhà nước bao gồm: yêu cầu, tiêu chuẩn đối với từng chức danh cụ thể; độ tuổi tham gia quy hoạch; số lượng, cơ cấu của quy hoạh; đối tượng và điều kiện lựa chọn cán bộ đưa và quy hoạch…
Sau khi Trung ương thống nhất về những vấn đề quan trọng này và Ban Chấp hành Trung ương ban hành Nghị quyết, Bộ Chính trị sẽ chỉ đạo việc xây dựng quy hoạch cụ thể Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các chức danh cán bộ lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước nhiệm kỳ 2016-2021 và các nhiệm kỳ tiếp theo.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết, ít có hội nghị Trung ương nào có nhiều nội dung và dự kiến họp dài như Hội nghị lần này (theo chương trình, hội nghị làm việc đến ngày 15/10). Tất cả các vấn đề được bàn và quyết định đều rất quan trọng và phức tạp.
Hội nghị sẽ thảo luận, cho ý kiến về các báo cáo, đề án liên quan: Tình hình kinh tế - xã hội năm 2012, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2013; tiếp tục sắp xếp, đổi mới, nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước; chính sách pháp luật về đất đai; đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo; phát triển khoa học và công nghệ; quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các chức danh cán bộ lãnh đạo chủ chốt của Đảng và Nhà nước; Báo cáo kết quả kiểm điểm tự phê bình và phê bình của Bộ Chính trị, Ban Bí thư theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XI) về xây dựng Đảng và một số vấn đề quan trọng khác.
Theo ĐVO

Nợ xấu của DN Nhà nước tới 200.000 tỷ đồng


Trong đó khoảng 153.000 tỷ đồng thuộc về các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước.
Theo ông Đinh Tuấn Minh, nợ xấu tại khu vực doanh nghiệp nhà nước rất khó giải quyết
Theo ông Đinh Tuấn Minh, nợ xấu tại khu vực doanh nghiệp nhà nước rất khó giải quyết.

Đây là tính toán của tiến sĩ Đinh Tuấn Minh tại tài liệu phục vụ cho Diễn đàn Kinh tế mùa thu 2012 do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Viện Khoa học xã hội Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam phối hợp tổ chức tại thành phố Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) từ ngày 28 đến 29-9.
Tính toán trên của ông Minh dựa trên một bản báo cáo trình Ủy ban thường vụ Quốc hội tháng 9-2012, mà ông không nêu nguồn. Báo cáo này thừa nhận: “Doanh nghiệp Nhà nước sử dụng vốn tín dụng chiếm tới khoảng 70% tổng số nợ xấu, trong đó các tập đoàn kinh tế, tổng công ty chiếm 53% số nợ xấu”.
Căn cứ báo cáo trên, và nợ xấu là 10% tổng dư nợ tín dụng, như công bố của Ngân hàng Nhà nước, tiến sĩ Minh tính toán khu vực doanh nghiệp nhà nước có tỷ lệ nợ xấu lên đến mức như trên.
Ngoài ra, theo ông Minh, nợ xấu của khu vực tập đoàn, tổng công ty chiếm tới 30-35% tổng dư nợ của khối này trong vay nợ từ hệ thống ngân hàng thương mại.
Tổng dư nợ đó của 12 tập đoàn kinh tế Nhà nước lên tới gần 218.740 tỷ đồng, theo Đề án tái cấu trúc khu vực doanh nghiệp nhà nước của Bộ Tài chính năm 2012. Trong đó dư nợ lớn nhất thuộc về Tập đoàn Dầu khí (PVN - 72.300 tỷ đồng), Điện lực (EVN - 62.800 tỷ đồng), Than và Khoáng sản (Vinacomin - 19.600 tỷ đồng).
Ngoài khu vực ngân hàng, tiến sĩ Minh lưu ý nợ xấu của khu vực doanh nghiệp nhà nước đang “rất lớn” ở Ngân hàng Phát triển (VDB). Ông nhận xét, nguồn vốn của VDB đến từ phát hành giấy tờ có giá và nhận vốn ODA cho vay lại chiếm 72,4% trong năm 2009. Một phần lớn nguồn vốn này sau đó được VDB cho các doanh nghiệp nhà nước vay ưu đãi để đầu tư.
Chẳng hạn, Vinashin vay ưu đãi VDB gần 300 tỷ đồng lãi suất bằng 0 để hỗ trợ trả lương và phụ cấp; EVN được vay hơn 5.000 tỷ đồng. Còn trong các năm trước đó, Vinalines cũng vay VDB để phát triển tàu mới; Xi măng Đồng bành vay 290 tỷ đồng...
Tiến sĩ Minh trích dẫn ông Nguyễn Quang Dũng, Tổng giám đốc Ngân hàng Phát triển (VDB), rằng “Nợ của các tập đoàn, tổng công ty… chiếm độ 75-80% tổng dư nợ của Ngân hàng Phát triển…”.
Ông Minh nhận xét, nguyên nhân chính khiến cho khu vực doanh nghiệp nhà nước có nợ xấu nhiều là do khu vực này được hưởng những ưu đãi về tín dụng nên các doanh nghiệp nhà nước có xu hướng sử dụng đòn bẩy tài chính nhiều hơn các doanh nghiệp khu vực khác.
Tuy nhiên, ông khẳng định nợ xấu tại khu vực doanh nghiệp nhà nước rất khó giải quyết vì khu vực này khó bán tài sản hoặc cổ phần nhà nước theo giá thị trường trong giai đoạn kinh tế suy thoái.
Trong khi đó, trong bối cảnh tỷ lệ nợ công của Việt Nam ở mức rất cao, khoảng 54,8% GDP năm 2011, và nguy cơ thâm hụt ngân sách trong năm 2012 tăng trở lại thì khả năng hỗ trợ của ngân sách nhà nước để giảm nợ của khu vực doanh nghiệp nhà nước sẽ vô cùng khó khăn.
“Điều này hàm ý rằng việc giải quyết nợ xấu của khu vực doanh nghiệp nhà nước sẽ thực sự là một công việc khó khăn đối với Việt Nam trừ phi có những thay đổi quyết liệt về chính sách liên quan đến việc mua bán tài sản tại khu vực này”, ông nói.
Theo TBKTSG