Trang

Recent Posts

24 thg 1, 2012

Tết nguyên đán có từ bao giờ?

Nguồn gốc Tết Nguyên Đán, hay nói ngắn hơn là Tết có từ đời Ngũ Đế, Tam Vương.
Đời Tam Vương, nhà Hạ, chuộng mẫu đen, nên chọn tháng đầu năm, tức tháng Giêng, nhằm tháng Dần.
Nhà Thương, thích màu trắng, lấy tháng Sửu (con trâu), tháng chạp làm tháng đầu năm.
Qua nhà Chu (1050-256 trước công nguyên), ưa sắc đỏ, chọn tháng Tý (con chuột), tháng mười một làm tháng Tết.
Các vua chúa nói trên, theo ngày giờ, lúc mới tạo thiên lập địa: nghĩa là giờ Tý thì có trời, giờ Sửu thì có đất, giờ Dần sinh loài người mà đặt ra ngày tết khác nhau.
Đến đời Đông Chu, Khổng Phu Tử ra đời, đổi ngày tết vào một tháng nhất định: tháng Dần.
Mãi đến đời Tần (thế kỷ III trước Công nguyên), Tần Thủy Hoàng lại đổi qua tháng Hợi (con lợn), tức tháng Mười.
Cho đến khi nhà Hán trị vì, Hán Vũ Đế (140 trước Công nguyên) lại đặt ngày Tết vào tháng Dần (tức tháng Giêng) như đời nhà Hạ, và từ đó về sau, trải qua bao nhiêu thời đại, không còn nhà vua nào thay đổi về tháng Tết nữa.
Đến đời Đông Phương Sóc, ông cho rằng ngày tạo thiên lập địa có thêm giống Gà, ngày thứ hai có thêm Chó, ngày thứ ba có Lợn, ngày thứ tư sinh Dê, ngày thứ năm sinh Trâu, ngày thứ sáu sinh Ngựa, ngày thứ bảy sinh loại Người và ngày thứ tám mới sinh ra ngũ cốc.
Vì thế, ngày Tết thường được kể từ ngày mồng Một cho đến hết ngày mồng bảy.

CHÚC MỪNG NĂM MỚI NHÂM THÌN 2012

23 thg 1, 2012

Chào năm mới Nhâm Thìn 2012

Những chùm pháo hoa nở rộ trên bầu trời hòa bình báo hiệu xuân mới đã về, mang theo bao niềm tin và khát vọng thành công của hàng triệu triệu người Việt. Ở muôn phương, người Việt Nam rộn ràng đón Tết.
Du học sinh Việt Nam tại Ulyanovsk (Liên bang Nga) cùng đón năm mới. Ảnh: Đình Hoàn (từ Ulyanovsk, Liên bang Nga)
Du học sinh Việt Nam tại Ulyanovsk (Liên bang Nga) cùng đón năm mới. Ảnh: Đình Hoàn (từ Ulyanovsk, Liên bang Nga) .
Tại Hà Nội, dù trời lạnh, lất phất mưa, nhưng hàng nghìn người vẫn đổ về Hồ Hoàn Kiếm chờ xem màn pháo hoa chào đón năm mới.
Đến 21h, hàng nghìn người, chủ yếu là các bạn trẻ (học sinh, sinh viên) đổ về Hồ Hoàn Kiếm, chờ đón thời khắc giao thời giữa năm mới và năm cũ. Các cặp đôi tay trong tay tình tứ, dạo phố đêm rực ánh đèn, hoa trong tiết trời lạnh ngày Tết. Nhiều du khách nước ngoài cũng có mặt ở đây, háo hức chờ đón màn pháo hoa chào năm mới nở rộ trên bầu trời của thành phố vì hòa bình. (Xem Clip: Pháo hoa rực rỡ, đất nước vào xuân).
Nhiều bạn trẻ nối thành hàng dài như con rồng, chạy trên đường phố, hô vang, tạo nên một không khí sôi động.
Theo ghi nhận của phóng viên Tiền Phong, do lượng người đổ về khu vực Hồ Hoàn Kiếm quá lớn, nên một số điểm trông giữ xe "tranh thủ chặt chém" 50.000 đồng/xe máy.
Tuy đông người nhưng lực lượng an ninh làm nhiệm vụ, đảm bảo tốt an ninh cho người dân vui đón giao thừa. Màn bắn pháo hoa rực rỡ làm mãn nhãn những người xem, đám đông quanh bờ Hồ ra về trong trật tự. (Chùm ảnh pháo hoa lung linh đêm giao thừa).
Tại TPHCM, đường hoa Nguyễn Huệ chính thức vào hội. Con đường trung tâm thành phố mang tên Bác, qua bàn tay tài tình của các nghệ nhân, biến thành đường hoa với muôn vàn sắc màu trong ngày cuối năm.
Đường hoa Nguyễn Huệ vào xuân. Ảnh: Trọng Thịnh
Đường hoa Nguyễn Huệ vào xuân. Ảnh: Trọng Thịnh.
Đêm giao thừa, hàng nghìn người đổ về chiêm ngưỡng những “tác phẩm nghệ thuật đường phố”, chờ đón thời khắc giao hòa giữa năm mới và năm cũ. (Chùm ảnh đường hoa Nguyễn Huệ vào xuân).
20 giờ ngày 22-1 (29 Tết), đông đảo đồng bào các dân tộc tỉnh Lạng Sơn náo nức tới Quảng trường Hùng Vương, thành phố Lạng Sơn (tỉnh Lạng Sơn) hòa chung lời ca, tiếng hát đón chào mùa xuân mới. Gần hai chục tiết mục đậm đà màu sắc dân tộc, ca ngợi Đảng, quê hương, đất nước đổi mới. (Xem chi tiết).
Ca nhạc chào năm mới ở Lạng Sơn. Ảnh: Duy Chiến.
Ca nhạc chào năm mới ở Lạng Sơn. Ảnh: Duy Chiến.
Ở Sóc Trăng, hàng nghìn người cũng đổ ra đường phố đón giao thừa và xem màn bắn pháo hoa chào năm mới Nhâm Thìn 2012. (Xem ảnh).
Từ Sydney, Australia, cộng tác viên Huy Linh gửi về cho Tiền Phong “nỗi nhớ 7.775 km” trong đêm giao thừa thiêng liêng.
“Ngày cuối năm, Sydney (Australia) nắng vàng rực rỡ. Cuộc sống vẫn trôi đi bình yên như ngày thường. Không có cảm giác của không khí Tết rộn ràng như ở nhà. Lúc này, tôi thấy nhớ Hà Nội, nhớ gia đình, bè bạn da diết. Tôi gọi đó là nỗi nhớ 7.775 km - đúng bằng khoảng cách giữa Sydney và Hà Nội… Đứng trên bậc thềm của Nhà hát Con Sò bên bến cảng Sydney, tôi lại ước trở về với đêm Hồ Tây lộng gió, đi bên em trong khoảnh khắc giao mùa và cùng nhau cất tiếng hát: Bên em, bên em anh say trong hạnh phúc/Đôi môi em anh ngỡ cánh đào/ Bên anh bên anh em nghe trong lòng hát/Những giai điệu tình yêu…” – Bạn Huy Linh tâm sự. (Xem chi tiết).
Trước đó, tối 21-1, tại thủ đô Canberra của Australia, Đại sứ quán Việt Nam tại Australia tổ chức gặp mặt đón Tết. Đông đảo bà con Việt kiều, lưu học sinh cùng cán bộ, nhân viên Đại sứ quán và các cơ quan đại diện của Việt Nam tại Australia tham dự. (Xem chi tiết).
Buổi gặp mặt tại New Zealand. Ảnh: Vietnam+
Buổi gặp mặt tại New Zealand. Ảnh: Vietnam+.
Tại quê hương của vị lãnh tụ vĩ đại nước Nga - Vladimir Lê Nin là Ulyanovsk (Liên bang Nga), cộng tác viên Đình Hoàn cho hay, cộng đồng người Việt Nam xa quê (khoảng 600 người đang sinh sống, làm việc và học tập) đã tổ chức đón Tết Nhâm Thìn.
Sinh viên gói bánh chưng mừng xuân Nhâm Thìn.
Sinh viên Việt Nam ở Ulyanovsk (Liên bang Nga) gói bánh chưng mừng xuân Nhâm Thìn.
“Hàng năm, hội người Việt Nam đều tổ chức cho bà con đón tết cổ truyền của dân tộc. Năm nay chương trình đã được chuẩn bị từ nhiều tháng trước, cùng với sự tham gia nhiệt tình của hội sinh viên thành phố. Những tiết mục văn nghệ đã thể hiện rõ bản sắc văn hóa lâu đời và vẻ đẹp của con người Việt Nam” - Ông Trịnh Văn Quế - Hội trưởng hội người Việt Nam tại Ulyanovsk, cho biết. (Xem chùm ảnh Tết Việt Nam trên quê hương Lê Nin).
Cũng tại Nga, nhóm sinh viên “SvIrk365” - đến từ trường Đại Học Kĩ Thuật Tổng Hợp Quốc Gia Irkutsk - lên ý tưởng và đứng ra tổ chức chương trình Gala Tết Nhâm Thìn “Xuân SV”.
Ngoài những chương trình vui vẻ mang tinh thần “ét vê” chào năm mới, các bạn trẻ còn phát động quyên góp ủng hộ “Vì người nghèo”. (Xem chùm ảnh).
Tối 21-1, hòa chung trong không khí vui xuân đón tết cổ truyền của dân tộc, ban chỉ huy Đoàn – Hội sinh viên Việt Nam tại thành phố Tomsk (Liên bang Nga) cũng đã tổ chức chương trình “Táo quân vui xuân”.
'Táo du học sinh' tại Nga đón xuân mới. Ảnh: Nguyễn Ngân (từ Tomsk, Liên bang Nga)
'Táo du học sinh' tại Nga đón xuân mới. Ảnh: Nguyễn Ngân (từ Tomsk, Liên bang Nga) .
Chương trình dựa theo “Gặp nhau cuối năm” của Đài truyền hình Việt Nam, lấy nội dung là những thành tích cũng như hạn chế, sự kiện nổi bật, những thói hư tật xấu, những hành vi cư xử chưa đúng mục của chính sinh viên trong đời sống hàng ngày, trong giao tiếp ứng xử. (Chùm ảnh 'Táo du học sinh' tại Nga đón xuân mới).
Từ CHLB Đức, cộng tác viên An Hà thông tin, dù bận bịu với mùa thi, nhưng các bạn sinh viên Việt Nam ở đây vẫn tổ chức Tết theo cách độc đáo riêng của mình. (Du học sinh gói bánh chưng, đón tết ở Đức).
Du học sinh tại Đức đón Tết
Du học sinh Việt Nam tại Đức đón Tết.
Dù đang học tại nước Pháp xa xôi, nhưng những du học sinh Việt tại thành phố Bordeaux không quên tổ chức Tết cổ truyền của dân tộc.
Các chàng trai của hội du học sinh tại Pháp, với bàn tay khéo léo của mình, đã tập hợp nhau lại, cùng gói bánh chưng, mang đậm hương vị, phong tục Tết quê Việt.
Du học sinh Việt Nam tại Pháp gói bánh chưng đón Tết Nhâm Thìn.
Du học sinh Việt Nam tại Pháp gói bánh chưng đón Tết Nhâm Thìn..
Còn gì thú vị hơn khi ở trởi Âu xa xôi, lại được quây quần cùng bạn bè bên bếp lửa, trông nồi bánh chưng đang nghi ngút khói.
Đây thực sự là cơ hội đặc biệt đối với các bạn sinh viên Việt Nam xa nhà, là thời gian cùng nhau bù đắp nỗi nhớ gia đình và chia sẻ niềm vui, nỗi buồn dịp cuối năm. Đồng thời, đây cũng là cơ hội để các bạn sinh viên tìm lại những bản sắc vô cùng quý giá của dân tộc Việt Nam.
Ở xứ hoa anh đào, ngay từ ngày 15 – 1, Hội sinh viên Việt Nam tại Nhật Bản tổ chức họp mặt cuối năm để những người con Việt Nam ở đây đón Tết cổ truyền với “Thịt mỡ dưa hành câu đối đỏ - Cây nêu tràng pháo bánh chưng xanh”…
Du học sinh Việt Nam tại Nhật Bản nấu xôi gấc đón Tết
Du học sinh Việt Nam tại Nhật Bản nấu xôi gấc đón Tết.
Phần “sôi nổi” của buổi họp mặt là Tiệc Tết Nhâm Thìn. Vừa thưởng thức các món ăn Tết truyền thống, mọi người vừa gặp mặt, trò chuyện vui vẻ – những câu chuyện của một năm đã qua và cho một năm mới nhiều may mắn, thành công.
Những món ăn quê hương như bánh chưng, xôi gấc, nộm tai heo, củ kiệu, nem chua… nơi đất khách đã làm ấm lòng của những người con xa xứ!
Nhóm phóng viên

16 thg 1, 2012

Phong tục trong ngày tết Nguyên đán

 
Các phong tục của ngày tết cổ truyền từ xưa là rất phong phú và mang đậm dấu ấn văn hóa của Việt Nam. Nhưng ngày nay, khi cuộc sống đã có nhiều thay đổi, khi văn hóa đã không còn giữ được những nét nguyên bản như xưa, nên phong tục về ngày tết cũng đã khác rất nhiều. Tôi xin được đề cập đến một số phong tục trong ngày tết theo văn hóa của người Việt xưa. Đây là những gì tôi được biết và tìm hiểu qua sách vở, nên ghi ra đây cho các bạn tham khảo. Chắc hẳn chưa đầy đủ được, mong các bạn đóng góp để có một cái nhìn đầy đủ hơn về ngày tết cổ truyền của người Việt.
Tết Nguyên đán (hay còn gọi là Tết Cả, Tết Ta, Tết Âm lịch, Tết Cổ truyền, năm mới hay chỉ đơn giản Tết) là dịp lễ quan trọng nhất trong văn hóa của người Việt Nam và một số các dân tộc chịu ảnh hưởng văn hóa Trung Quốc khác. Chữ "Tết" do chữ "Tiết" mà thành. Hai chữ "Nguyên đán" có gốc chữ Hán; "nguyên" có nghĩa là sự khởi đầu hay sơ khai và "đán" là buổi sáng sớm. Cho nên đọc đúng phiên âm phải là "Tiết Nguyên Đán" (Tết Nguyên đán được người Trung Quốc ngày nay gọi là Xuân tiết, Tân niên hoặc Nông lịch tân niên.
Không khí của ngày tết dường như được bắt đầu từ 23 tháng chạp - ngày tết ông công ông táo và kéo dài cho đến hết rằm tháng giêng âm lịch.
1. Sắm tết:
Chợ tết sẽ bắt đầu họp vào ngày 22-23 tháng chạp trở đi. Đây là phiên chợ nhộn nhịp, nhiều mặt hàng và đông đúc nhất trong năm. Người ta đến đây để mua lá dong, lá chuối, đỗ xanh, thịt lợn, dây lạt.....nói chung là các nguyên liệu để về gói bánh chưng. Ngoài ra người ta sẽ đi mua các vật dụng dùng trong ngày tết và để trang trí nhà cửa.
2. Trang trí, dọn dẹp nhà cửa:
- Mâm ngũ quả: Mâm ngũ quả là một mâm trái cây có chừng năm thứ trái cây khác nhau thường có trong ngày Tết Nguyên Đán của người Việt. Các loại trái cây bày lên thể hiện nguyện ước của gia chủ qua tên gọi, màu sắc và cách sắp xếp của chúng. Mâm ngũ quả của người miền bắc gồm:Chuối, ớt, bưởi, quất, lê. Có thể thay thế bằng cam, quýt, lêkima, hồng xiêm, hồng đỏ. Chuối xanh cong lên ôm lấy bưởi mang ý nghĩa đùm bọc. Chọn 5 thứ quả theo quan niệm người xưa là ngũ hành ứng với mệnh của con người. Chọn số lẻ tượng trưng cho sự phát triển, sinh sôi. Mâm ngũ quả người miền nam gồm dừa, đu đủ, mãng cầu, sung, xoài với ngụ ý cầu sung vừa đủ xài
- Cây nêu: Cây nêu là một cây tre cao khoảng 5–6m. Ở ngọn thường treo nhiều thứ (tùy theo từng điạ phương) như vàng mã, bùa trừ tà, cành xương rồng, bầu rượu bện bằng rơm, hình cá chép bằng giấy (để táo quân dùng làm phương tiện về trời), giải cờ vải tây, điều (màu đỏ), đôi khi người ta còn cho treo lủng lẳng những chiếc khánh nhỏ bằng đất nung, mỗi khi gió thổi, những khánh đất va chạm nhau tại thành những tiếng kêu leng keng nghe rất vui tai... Ở Gia Định xưa, sách Gia Định thành đông chí của Trịnh Hoài Đức, Tập Hạ chép rằng: "bữa trừ tịch (tức ngày cuối năm) mọi nhà ở trước cửa lớn đều dựng một cây tre, trên buộc cái giỏ bằng tre, trong giỏ đựng trầu cau vôi, ở bên giỏ có treo giấy vàng bạc, gọi là "lên nêu"... có ý nghĩa là để làm tiêu biểu cho năm mới mà tảo trừ những xấu xa trong năm cũ".
Người ta tin rằng những vật treo ở cây nêu, cộng thêm những tiếng động của những khánh đất, là để báo hiệu cho ma quỷ biết rằng nơiđây là nhà có chủ, không được tới quấy nhiễu... Vào buổi tối, người ta treo một chiếc đèn lồng ở cây nêu để tổ tiên biết đường về nhà ăn Tết với con cháu. Vào đêm trừ tịch còn cho đốt pháo ở cây nêu để mừng năm mới tới, xua đuổi ma quỷ hoặc những điều không maỵ. Cây nêu thường được dựng vào ngày 23 tháng chạp, là ngày Táo quân về trời chính vì từ ngày này cho tới đêm Giao thừa vắng mặt Táo công, ma quỷ thường nhân cơ hội này lẻn về quấy nhiễu, nên phải trồng cây nêu để trừ tà. Ngày 7 tháng Giêng triệt hạ, gọi là "hạ nêu" phàm những khoản vay mượn thiếu thốn trong tiết ấy không được đòi hỏi, đợi ngày hạ nêu rồi mới được đòi hỏi".
- Tranh tết: Phía trên bàn thờ thường treo một tranh dân gian vẽ ngũ quả, chiếc cuốn thư... có khi là một chữ Nho (chữ Tâm, Phúc, Đức...).Tranh Tết từ lâu đã trở thành một tập quán, một thú chơi của người dân Việt Nam và không chỉ người có tiền mới chơi tranh mà người ít tiền cũng có thể chơi tranh. Nó là một phần không thể thiếu trong không gian của ngày Tết cổ truyền xưa kia. Những màu sắc rực rỡ như khơi gợi nên cảm giác mới mẻ ấm cúng rộn rã sắc xuân trong mỗi gia đình của người Việt.
- Câu đối tết:
Để trang hoàng nhà cửa và để thưởng Xuân, trước đây từ các nho học cho tới những người bình dân "tồn cổ" vẫn còn trọng tục treo "câu đối đỏ" nhân ngày Tết. Những câu đối này được viết bằng chữ Nho (màu đen hay vàng) trên những tấm giấy đỏ hay hồng đào cho nên còn được gọi là câu đối đỏ. Bản thân chữ "câu đối đỏ" cũng xuất hiện trong câu đối Tết sau:
Thịt mỡ dưa hành câu đối đỏ
Cây nêu tràng pháo bánh chưng xanh.
- Hoa tết: Ngoài hai loại hoa đặc trưng cho Tết là đào và mai, hầu như nhà nào cũng có thêm những loại hoa để thờ cúng và hoa trang trí. Hoa thờ cúng có thể như hoa vạn thọ, cúc, lay ơn, hoa huệ...; hoa để trang trí thì muôn màu sắc như hoa hồng, hoa thủy tiên, hoa lan, hoa thược dược, hoa violétt, hoa đồng tiền... Ngoài ra, hoa hồng, cẩm chướng, loa kèn, huệ tây, lá măng, thạch thảo... cắm kèm sẽ tạo sự phong phú và mang ý nghĩa sum họp cho bình hoa ngày tết. Màu sắc tươi vui chủ đạo của bình hoa cũng ngụ ý cầu mong một năm mới làm ăn phát đạt, gia đình an khang và sung túc.
3. Các phong tục chính:
- Cúng ông công, ông táo: vào 23 tháng chạp âm lịch. Theo quan điểm của người Việt thì ông Táo vừa là thần bếp trong nhà vừa là người ghi chép tất cả những việc làm tốt xấu mà con người đã làm trong năm cũ và báo cáo với Ngọc Hoàng những vấn đề tốt xấu, những việc mà Ông Táo tai nghe mắt thấy. Ông Táo được cúng vào trưa hoặc chiều ngày 23 tháng Chạp Âm lịch hàng năm. Lễ cúng ngoài hương, nến, hoa quả, vàng mã còn có hai mũ đàn ông, một mũ đàn bà và ba con cá chép (cá chép thật hoặc cá chép làm bằng giấy kèm theo cỗ mũ), cá chép sẽ đưa ông Táo vượt qua Vũ Môn để lên Thiên đình gặp Ngọc Hoàng.
- Ngày dựng cây nêu: Đây là ngày dựng Cây nêu. Theo phong tục của một số dân tộc, trong đó có người Kinh, cây nêu vừa biểu trưng cho sự tôn kính trời đất, vừa là biểu trưng cho sự tiễu trừ ma quỷ
- Ngày gói bánh chưng: Theo phong tục của người Việt là ngày gói bánh chưng và chuẩn bị các món đồ tế lễ trong dịp Tết. Cũng trong ngày này, nguời ta thường đi thăm mồ mả gia tiên, sửa sang, dọn cỏ, quét vôi và làm một mâm cỗ cúng mời tổ tiên về ăn Tết với con cháu. Thường rơi vào các ngày 26 tết trở đi và phải hoàn thành việc nấu bánh chưng trước chiều 30 tết, để kịp có bánh cúng buổi tối tất niên.
- Ngày tất niên: Có thể là ngày 30 tháng Chạp (nếu là năm đủ) hoặc 29 tháng Chạp (nếu là năm thiếu) được gọi là ngày Tất niên. Đây là ngày gia đình sum họp lại với nhau để ăn cơm buổi tất niên. Buổi tối ngày này, người ta làm cỗ cúng tất niên. Giữa ngày 30 (hoặc 29) tháng Chạp và ngày Mồng 1 tháng giêng, giờ Tý (từ 23 giờ hôm trước đến 1 giờ hôm sau), trong đó, thời điểm bắt đầu giờ Chính Tý (0 giờ 0 phút 0 giây ngày Mồng 1 tháng Giêng) là thời khắc quan trọng nhất của dịp Tết, đánh dấu sự chuyển giao năm cũ và năm mới, được gọi là Giao thừa. Để ghi nhận thời khắc này, người ta thuờng làm hai mâm cỗ. Một mâm cúng gia tiên tại bàn thờ ở trong nhà mình và một mâm cúng thiên địa ở khoảng sân trước nhà. Một số cộng đồng lấy con hổ là vật thờ thì gọi là cúng Ông Ba Mươi. Một số cộng đồng khác thì có một phần cỗ dành để cúng chúng sinh, cúng những cô hồn lang thang, không nơi nương tựa.
Sắp dọn bàn thờ: Trong gia đình người Việt thường có một bàn thờ tổ tiên, ông bà (hay còn gọi ông Vải). Tuỳ theo từng nhà, cách trang trí và sắp đặt bàn thờ khác nhau. Biền, bàn thờ là nơi tưởng nhớ, là thế giới thu nhỏ của người đã khuất. Hai cây đèn tượng trưng cho mặt trời, mặt trăng, hương là tinh tú. Hai bát hương để đối xứng, phía sau 2 cây đèn thường có hai cành hoa cúc giấy, với nhiều bông nhỏ bao quanh bông lớn. Cũng có nhà cắm "cành vàng lá ngọc" (một thứ hàng mã) với cầu mong làm ăn được quả vàng, quả bạc, buôn bán lãi gấp 5 hoặc gấp 10 lần năm trước. Ở giữa có trục "vũ trụ" là khúc trầm hương dưới dạng khúc khuỷu, vươn lên trong bát hương. Nhiều gia đình đặt xen giữa đèn và hương là hai cái đĩa để đặt hoa quả lễ gọi là mâm ngũ quả (tuỳ mỗi miền có sự biến thiên các loại quả, nhưng mỗi loại quả đều có ý nghĩa của nó), phía trước bát hương để một bát nước trong, coi như nước thiêng. Hai cây mía đặt ở hai bên bàn thờ là để các cụ chống gậy về với con cháu, dẫn linh hồn tổ tiên từ trên trời về hạ giới...
- Đêm giao thừa có tục lệ sau: Cúng Giao thừa (hay lễ Trừ tịch): là lễ cúng để đem bỏ hết đi những điều xấu của năm cũ sắp qua để đón những điều tốt đẹp của năm mới sắp đến. Cúng giao thừa gồm có cúng ngoài trời và cúng trong nhà.
- Ba ngày tân niên:
Ngày mồng Một tháng Giêng: là ngày Tân niên đầu tiên và được coi là ngày quan trọng nhất trong toàn bộ dịp Tết. Không kể những người tốt số, hợp tuổi được mời đi xông đất, vào sáng sớm ngày này, người Việt cổ thường không ra khỏi nhà, chỉ bày cỗ cúng Tân niên, ăn tiệc và chúc tụng nhau trong nội bộ gia đình. Đối với những gia đình đã tách khỏi cha mẹ và cha mẹ vẫn còn sống, họ đến chúc tết các ông bố theo tục: Mồng Một Tết cha.
Ngày mồng Hai tháng Giêng: ngày này cũng có những hoạt động cúng lễ tại gia vào sáng sớm. Sau đó, nguời ta chúc tết các bà mẹ theo tục Mồng Hai Tết mẹ. Riêng đàn ông chuẩn bị lập gia đình còn phải đến nhà cha mẹ vợ tương lai (nhạc gia) để chúc Tết theo tục Đi sêu.
Ngày mồng Ba tháng Giêng: Sau khi cúng cơm tại gia theo lệ cúng ít nhất đủ ba ngày Tết, các học trò thường đến chúc Tết thầy dạy học theo tục Mồng Ba Tết thầy
- Tục xông đất đầu năm: Xông đất (hay đạp đất, mở hàng). Tục lệ xông đất đã có lâu đời ở Việt Nam. Nhiều người quan niệm ngày Mồng Một "khai trương" một năm mới. Họ cho rằng vào ngày này, nếu mọi việc diễn ra suôn sẻ, may mắn, cả năm cũng sẽ được tốt lành, thuận lợi. Ngay sau thời khắc giao thừa, bất cứ người nào bước từ ngoài vào nhà với lời chúc năm mới được coi là đã xông đất cho gia chủ. Người khách đến thăm nhà đầu tiên trong một năm cũng vì thế mà quan trọng. Cho nên cứ cuối năm, mọi người cố ý tìm xem những người trong bà con hay láng giềng có tính vui vẻ, linh hoạt, đạo đức và thành công để nhờ sang thăm. Người đến xông đất thường chỉ đến thăm, chúc tết chừng 5 đến 10 phút chứ không ở lại lâu, hầu cho mọi việc trong năm của chủ nhà cũng được trôi chảy thông suốt.
- Tục xuất hành hái lộc: Xuất hành là lần đi ra khỏi nhà đầu tiên trong năm, thường được thực hiện vào ngày tốt đầu tiên của năm mới để đi tìm may mắn cho bản thân và gia đình. Trước khi xuất hành, người ta phải chọn ngày Hoàng đạo, giờ Hoàng đạo và các phương hướng tốt để mong gặp được các quý thần, tài thần, hỉ thần... Tại miền Bắc, nếu xuất hành ra chùa hay đền, sau khi lễ bái, người Việt còn có tục bẻ lấy một cành lộc để mang về nhà lấy may, lấy phước. Đó là tục hái lộc. Cành lộc là một cành đa nhỏ hay cành đề, cành si... là những loại cây quanh năm tươi tốt và nẩy lộc. Tục hái lộc ở các nơi đền, chùa ngụ ý xin hưởng chút lộc của Thần, Phật ban cho nhân năm mới. Cành lộc thường đem về cắm ở bàn thờ. Khác với miền Bắc, miền Trung không có tục hái lộc đầu năm nhờ thế mà cây cối trong các đền chùa ở miền Trung vẫn giữ nguyên lá xanh biếc suốt cả mùa xuân.
- Tục chúc tết: Sáng mồng Một Tết còn gọi là ngày Chính đán, con cháu tụ họp ở nhà tộc trưởng để lễ Tổ Tiên và chúc tết ông bà, các bậc huynh trưởng. Theo quan niệm, cứ năm mới tới, mỗi người tăng lên một tuổị, bởi vậy ngày mồng Một Tết là ngày con cháu "chúc thọ" ông bà và các bậc cao niên (ngày xưa, các cụ thường không nhớ rõ ngày tháng sinh nên chỉ biết Tết đến là tăng thêm một tuổi).
- Tục Mừng tuổi: "Lì xì" người lớn thường tặng trẻ em tiền bỏ trong một bao giấy đỏ, hay "hồng bao", gọi là "lì xì" với những lời chúc mừng ăn no, chóng lớn. Theo cổ tích Trung Quốc thì trong "hồng bao" có 8 đồng tiền (là Bát Tiên hóa thân) được đặt dưới gối đứa trẻ để xua đuổi quỷ đến quấy nhiễu.
- Tục mua muối: Đầu năm mọi nhà đều mua muối để cầu may mắn đến. Vẫn có câu là Đầu năm mua muối, cuối năm mua vôi.
- Tục khai ấn và khai bút: Đầu Xuân, nhằm vào ngày tốt, giờ tốt, người có chức tước khai ấn (đóng con dấu lần đầu tiên trong năm); học trò, sĩ phu khai bút (viết bài hoặc một đoạn văn, một câu thơ... đầu tiên trong năm); nhà nông khai canh, (cày ruộng, làm đất, trồng, cấy lần đầu tiên trong năm); người buôn bán thì "khai thương", (mở hàng lần đầu tiên trong năm)... Sau ngày mùng Một, dù có mải vui cũng chọn ngày để khai nghề, làm lấy ngày. Nếu như mùng Một tốt thì chiều mùng Một bắt đầu. Riêng khai bút thì Giao thừa xong, chọn giờ hoàng đạo không kể mùng Một là ngày tốt hay xấu. Người thợ thủ công nếu chưa ai thuê mướn đầu năm thì cũng tự làm cho gia đình một sản phẩm, một dụng cụ gì đó. Người buôn bán, vì ai cũng chọn ngày tốt nên phiên chợ đầu xuân vẫn đông, mặc dầu người bán chỉ bán lấy lệ, người ta thuờng chợ Tết cùng với du xuân (đi chơi Tết).
- Hóa vàng: Ngày mồng 4 tháng Giêng theo lịch cổ là ngày con nước. Trong ngày này, người Việt làm lễ cúng tổ tiên đã về ăn Tết với con cháu và đốt nhiều vàng mã để tiền nhân về cõi âm có thêm tiền vốn đầu năm, đặng phù hộ độ trì cho con cháu hậu thế làm ăn phát đạt. Tại nhiều vùng ở Đồng bằng Bắc Bộ, người Việt có tục hát chèo đò đưa tổ tiên trở lại thế giới bên kia. Tục hóa vàng ngày mồng 4 hoặc mồng 5, không ít gia đình vẫn theo truyền thống cũ: làm cơm, đốt vàng mã gửi người thân khuất bóng lời cầu nguyện một năm mới nhiều may mắn. Theo nhà sử học Dương Trung Quốc, tục hoá vàng dựa trên tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, vật hoá vàng thường gắn với đời sống thường nhật, để thấy con người ở thế giới vô hình bên kia sống gần với dương gian. Vào ngày mồng 4 và mồng 5 tháng Giêng, người ta kiêng xuất hành vì đây là ngày không tốt.
- Khai hạ: Ngày mồng 7 tháng Giêng (cũng có thể là mồng 6 tháng Giêng) là ngày cuối cùng của chuỗi lễ hội Tết. Trong ngày này, người Việt làm lễ hạ Cây nêu, gọi là lễ Khai hạ, kết thúc dịp Tết Nguyên đán và bắt đầu bước vào việc làm ăn trong năm mới từ ngày mồng 8 hoặc mồng 9 tháng Giêng.